Top 6 # Trích Dẫn Hay Trong Văn Học Việt Nam Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 6/2023 # Top Trend | Boxxyno.com

Trích Dẫn Hay Nhất Trong Sách Văn Học Việt Nam

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn. Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. (Vội vàng)

Cái na ná tình yêu thì có trăm cái. Nhưng tình yêu đích thực thì chỉ có một. (Kẻ đi tìm tình yêu)

Phụ bạc len lỏi trong máu của mỗi người. Và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra ở đâu đó. (Gáy người thì lạnh)

Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ. (Hai đứa trẻ)

Khoảnh khắc đó tôi đã biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người. (Khói trời lộng lẫy)

Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp hẳn cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen. (Sống mòn)

Rất nhiều người sống trên đời cũng mang theo một hoặc nhiều câu hỏi mà không được trả lời. Cuộc sống là gì mà thê lương vậy? (Sông)

Có ai đó đã bảo người nhút nhát trước con gái là người lương thiện. Và tình yêu nhút nhát là tình yêu chân thành. (Ngày xưa có một chuyện tình)

Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài bầu trời đang nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu. (Biển người mênh mông)

Cuối cùng cũng chẳng có gì quan trọng, chỉ tiếc là không bao giờ nói được hết những gì mình nghĩ với người mình yêu thương. (Thư gửi một người)

Ta chẳng cần ai bảo ta là người tử tế. Ta chỉ cần đừng ai nghĩ rằng ta là một thằng quá hiền lành, người ta muốn bắt nạt thế nào cũng được. (Sống mòn)

Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẫn trước sự bóng bẩy, nhưng lại rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng. (Ngày mai của những ngày mai)

Càng ồn ào lễ hội người ta càng cô đơn, càng đông đúc chung quanh ta càng đơn độc, bởi có những tâm hồn không ai chạm thấu được. (Biển của mỗi người)

Khi bạn quá tin cậy hoặc sùng bái một ai, chắc chắn bạn không bao giờ đề phòng, thậm chí nghi ngờ. Và đôi khi bạn chết vì niềm ngây thơ của mình. (Tôi là Bê tô)

Bản chất của tình yêu là hi vọng. Nhiều khi trước một sự thật phũ phàng đã rõ mười mươi người ta vẫn tìm cách giải thích theo chiều hướng ít bi quan nhất. (Mắt biếc)

Than thở chẳng ích gì cho ai, cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén, sở dĩ bị đè nén suốt đời chỉ vì khi đè nén chúng chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác. (Chí Phèo)

Thời gian chưa bao giờ là bạn tốt của con người. Thời gian biến tóc ta thành hoa lau, nhuộm hồn ta thành lá đỏ. Và đến một ngày nó sẽ biến đời ta thành mây trắng lang thang. (Cảm ơn người lớn)

Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng. (Trăng sáng)

Hy sinh vì người khác luôn cho hương thơm bay ngược chiều gió. Gánh nặng vì tình yêu luôn song hành cùng sức mạnh vô song. Bất cứ gỗ đá nào chạm phải tình yêu đều trở nên bao dung mềm mại. (Vô thường)

Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý báu đó. (Ba phút sự thật)

Trong cuộc sống nhiều lúc gặp biến cố, trái tim chúng ta đau thắt, không kịp dừng lại để nhìn thật kĩ vào vấn đề. Chúng ta bị rối tung lên. Chúng ta cứ tưởng khổ đau bất hạnh cứ ập đến đè nặng lên vai chúng ta. (Vô thường)

Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta quá khổ thì người ta chẳng nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp. (Lão Hạc)

Bệnh buồn là hỗn hợp của những đổ vỡ, ngơ ngác, thảng thốt, vu vơ, ngớ ngẩn, lạc lỏng, mất mát, vô nghĩa, không phương hướng. Những cái buồn không nắm bắt được, mù mịt bủa vây. Không biết lối nào để thoát khỏi nó. (Ngày mai của những ngày mai)

Ta giận thân làm gì mà oán đời làm gì? Sự đời là như thế, bao giờ cũng có cái sự gì nó xảy ra để cho chúng ta đang sướng phải hóa ra khổ hoặc đã khổ rồi lại phải khổ hơn trước nữa… Ai cũng chịu đựng số phận như thế chứ chẳng cứ gì một ta đâu. (Giông tố)

Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng lại vô vọng. (Tôi là ai, là ai)

Khi người ta lớn, niềm vui và nỗi buồn cũng lớn theo. Trong những giấc mơ của tôi, không chỉ có châu chấu chuồn chuồn như những ngày thơ bé. Đã có bão giông theo về trong những đêm gió luồn qua mái lá. Ở ngay cả giấc mơ cũng lớn lên đó thôi. (Cây chuối non đi giày xanh)

Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng yêu thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. (Đời thừa)

Thật vậy, sự phù hoa giả dối của một xã hội chỉ trọng những cái bề ngoài, một nền luân lý ích kỷ, sự tín ngưỡng thế lực hoàng kim, cuộc cạnh tranh dữ dội đến vật chất đã làm hại tâm thuật người đời. Do thế, lúc người ta bần thì người ta còn thanh, và đã nên phú rồi, nhiều khi người ta hóa ra trọc. (Giông tố)

Còn chi buồn bằng tuổi trẻ gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng. Tôi không muốn cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết đằng cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đây ra sao. (Dế mèn phiêu lưu kí)

Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải là ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hóa thân một cách hồn nhiên nhất vào đấng toàn năng. (Tôi là Bê tô)

Cái cảm giác tù đọng khi thức giấc với bốn bức tường câm lặng, hé cửa ra là sóng âm thanh hỗn độn của đường phố xô vào. Những bình minh lặp đi lặp lại, không bao giờ nhìn được mặt trời lên, vội vã áo quần, vội vã tất giày, vội vã phấn son rồi ào ra đường, ào qua ngày, qua tháng, qua năm… (Những bình minh khác)

Ở đời có những sự kiện, những khuôn mặt thoảng qua đời ta như cơn gió tình cờ, chẳng lưu lại một điều gì trong ký ức, nhưng cũng có những biến cố khắc sâu vào tâm hồn ta như dao chém vào đá, mãi mãi để lại trong trí não ta một vết hằn mà năm tháng chỉ đánh bóng nó lên chứ không thể làm cho nó phai đi. (Đi qua hoa cúc)

Đời sống có thể làm cho người này không vui và người khác có thể hơi buồn buồn. Ở đây anh tự tìm một cách sống riêng để không bao giờ thấy cuộc đời là một sự khổ ải. Sống thì phải vui nếu không thì hãy ngủ lâu dài. Có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được. Bình thường thôi, anh sống một mình và cố tìm niềm vui của riêng anh. (Thư gửi một người)

Sứ mệnh của người làm nghệ thuật là đem lại mỹ cảm, vẻ đẹp của tâm hồn và thiên nhiên dâng hiến cuộc đời, nhưng phải với tư cách một vẻ đẹp sáng tạo chưa từng có trước đó. Bản thân sự sáng tạo đã là một ngọn lửa, một ngọn đuốc soi đường và dẫn dắt. Tiếng hát và tác phẩm chân thật sẽ sưởi ấm và an ủi những cõi đời buồn chán, cô đơn và giá lạnh. Người nghệ sĩ có trái tim chân thật luôn là người bạn ấm áp và tốt bụng của mọi người. (Ngẫu hứng)

Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phằng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút gì mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có. (Đời thừa)

Rừng Trong Văn Học Việt Nam

Rừng trong văn học Việt Nam

Thái Công Tụng

1. Dẫn nhập

Con người từ thời cổ đại cách đây mấy trăm ngàn năm cũng phải dựa vào rừng mà sống: rừng đã là nơi cung cấp chỗ trú ẩn, chỗ nương tựa, chỗ săn bắn, vật liệu làm nhà.. Do đó con người tôn thờ cây như một cái gì linh thiêng, chứa đựng những linh hồn.

2. Vai trò của rừng.

Có thể nói rừng liên hệ đến con người qua 4 khía cạnh chính sau đây :

2.1 cung cấp :

-rừng cung cấp gổ củi: gổ làm bàn ghế giường tủ; củi nấu ăn, nung trong lò gạch, làm than .

– rừng cung cấp các sản phẩm ngoài gỗ củi như nấm, mật ong, măng tre, mây, hoa lan, dược thảo, trầm v.v. Người lính thú đời xưa ở các đồn hẻo lánh cũng chỉ dựa vào rừng m à sống:

Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày thời canh điếm tối dồn việc quan

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc măng mai

– rừng cung cấp thuốc trị bệnh

Xưa kia, con người nhờ các loại cây cỏ trong rừng để chữa bệnh vì cây cỏ có chất làm lành vết thương, giải nhiệt, giải độc, mụn nhọt, trị cảm cúm, trị ho .. Ngày nay, dù khoa học có tiến bộ nhưng rừng vẫn là nơi các thực vật cung cấp nguyên liệu để khảo cứu, trích các tinh dầu

Nạn sốt rét gây tàn phá làm chết rất nhiều sinh mạng. Cây quinquina (Cinchona sp) cho chất quinine và các thuốc trị sốt rét như chloroquine, quinacrine, primaquine đều từ quinine mà ra .

Trong quãng 3000 cây chứa các đặc tính chống ung thư thì có đến hơn 2000 cây từ rừng nhiệt đới .

2.2 rừng cho nhiều loại trái cây ăn được

Nhiều loài cây trong rừng có trái ăn được: sim, mồng quân, dâu rừng, trái giẻ (noyer; walnut), trái mơ ..

Trái sim có nhiều miền duyên hải Trung Việt:

Đói lòng ăn mớ trái sim

Nhịn ăn khát nước đi tìm người thương

Trái mơ cũng có trong thơ Nguyễn Bính :

Thơ thẩn đường chiều một khách thơSay nhìn xa rặng núi xanh lơ. Khí trời êm ả và trong trẻo Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.

2.3 điều hoà : rừng hút được chất CO2 và nhả ra oxy; rừng cản dòng nước lũ, giữ lại một phần lượng nước mưa và như vậy, giảm xói mòn, lũ lụt, giúp nước ngầm phong phú hơn. Trong thời kỳ biến đổi khí hậu như hiện nay mà thủ phạm là các khí thải CO2 do sự sử dụng các nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu hoả và hơi đốt thì rừng giúp giảm các khí đó vì với hiện tượng quang hợp, cây rừng có thể hút được các loại khí CO2. Thực vật rừng cũng có khả năng bốc và thoát hơi nước nên trong khí quyển có nhiều hơi nước bốc lên cao làm nguồn nước mưa . Nếu phá rừng thì mỗi khi mưa to, gió, bão, lại càng dễ bị lụt hơn . Lý do là vì nhờ cây rừng có thể giảm được sức mạnh của dòng chảy. Tại nhiều miền duyên hải nhiệt đới, có loại rừng ngập mặn với cây bần, cây đước. Loại rừng này giúp chận lại các trầm tích phù sa và cũng giúp cản trở dòng nước mặn ngoài biển vào nội điạ . Rừng ngập mặn che chở cho cả một hệ sinh thái đa diện dưới chân nó: cua, tôm, cá, cá sấu và chim cò, khỉ, ong trên cây

Trong bài Lời nguyện của rừng, có những câu sau, đề cao vai trò đều hoà đọc ghi nhận :

Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi. 

Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão; chận cát bay làn gió bốc tung trời. 

Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian. 

Để ta sống, ta cản dòng nước lũ, cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than. 

2.4 rừng đóng góp vào các giá trị văn hoá, như tâm linh, thẩm mỹ, giải trí, sức khoẻ và giáo dục

Rừng không phải chỉ là tài nguyên hay môi trường vật lý mà rừng là tâm linh, là cõi vĩnh hằng, là cõi sâu thẳm của nội tâm, là ‘một cõi đi về’

Các tôn giáo lớn luôn luôn nhắc nhở đến cây: cây bồ đề trong Phật giáo, rừng trúc ở đó Phật Thích Ca truyền đạo; cây sồi trong Thánh Kinh

Rừng có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của con người, và nhất là con người thời đ ại ngày nay . Với dân số tăng nhanh, với công nghiệp hoá, đô thị hoá, loài người đã mất đi không gian thiên nhiên, chỉ sống với cao ốc beton, chung đụng với ô nhiễm, với tiếng đ ộng nhà máy, tiếng động xe cộ, máy bay v.v. do đó, muốn lấy lại thăng bằng, con người ngày nay lại càng cần đi tìm những khu rừng, những ngọn núi cao vì chỉ ở đó, họ mới cảm thấy mình tan biến trong cái tĩnh lặng uyên nguyên. :

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Lắm khi con người ngày nay sống hối hả ở đô thị cũng chỉ muốn những niềm vui đơn giản như đi dạo dọc theo hàng me xanh lướt thướt như trong câu thơ : Con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về., tìm lại chút bình yên thư thái

Vào rừng, thở không khí trong lành, nhìn sao ban đêm, nhìn suối, nghe nước róc rách, bướm lượn nhởn nhơ, chuồn chuồn, nghe côn trùng rỉ rả, mặt trăng lên, sao đêm nở đày trời, giúp ta tránh được các căng thẳng của cuộc sống máy móc đô thị, giúp ta quên đi những nôi nhọc nhằn của thể chất và của tâm linh, ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây (thơ Hồ Dzếnh), tạo điều kiện giúp con người thoát tục dễ dàng hơn, buông xả được các bụi bặm phù du phiền muộn của cái tôi để hoà mình vào nhịp sống bao la của vũ trụ, giúp ta dễ đồng nhất với vũ trụ, cảm nghiệm lẽ trời trong tĩnh lặng để buông xả, để phá chấp.

Ta cũng thấy trước cảnh vật bao la của vũ trụ rằng con người chỉ là một thành phần nhỏ bé và từ đó cảm thấy khiêm tốn hơn .Mà khiêm tốn giúp cho con người đến đức tin chân thật và đức tin chân thật mới hưóng dẫn con người đến được nơi có Thượng Đế ngự trị dễ đi vào nội tâm hơn, cõi lòng lắng xuống .

Hãy đọc Bà Huyện Thanh Quan:

Dừng chân đứng lại :trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta

Chỉ có hai câu thơ cổ điển trên mà bao gồm mọi yếu tố môi sinh: nào là dừng chân trên đất (thổ quyển), nhìn trời tức mây trôi, gió thổi (khí quyển), nhìn non tức là núi có đá là căn nguyên của đất (thạch quyển), nhìn nước tức sông suối, biển (thủy quyển) và sinh vật, tức tác giả bài thơ (sinh quyển)

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

đến những nương dâu bát ngát trong cảnh khi người vợ lính chiến xa chồng:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai !

Trong văn học dân gian, cũng nhiều ca dao tục ngữ đề cập đến rừng

Tình yêu trai gái cũng sử dụng thiên nhiên để so sánh:

Chim xa rừng thương cây nhớ cộí

Người xa nguời tội lắm người ơi

Nỏ thà không biết thì thôi

Biết nhau rồi mỗi đứa một nơi, răng đành

Tình yêu trai gái đôi khi cũng mãnh liệt như trong hình ảnh này :

Yêu người như suối cuộn rừng sâu, như con tàu say gió v.v (bài Phượng Yêu)

Một môi trường hài hoà, êm ả giúp con người thảnh thơi trí óc để có thể có tư duy sáng tạo, tư duy thiền:

.. Thu ăn măng giá, đông ăn trúc

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắm

Nhìn xem phú qúy tựa chiêm bao

Chúng ta đang ở Quebec, thấy mùa thu với lá nửa vàng nửa đỏ, sau đó từ đầu tháng 10 trở đi là lá bắt đầu rụng: Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về

Lá rụng vào thu cũng là cảm xúc cho bao nhiêu nhạc sĩ, thi sĩ viết lên nhiều bài thơ, bài nhạc để đời :

Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu

Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào

Rừng thu lá úa em vẫn chưa về

Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ

Kiếp người cũng được ví như mùa thu với những chữ quên lãng, chết, rất ngắn, nhạt phai trong bài Nhìn những mùa thu đi “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (…) Đã mấy lần thu sang / Công viên chiều qua rất ngắn / Chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng nhiều thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai”.

Thơ của Hoàng Ngọc Ẩn Rừng lá thay chưa cũng nói đến sự vô thường của kiếp người:

Anh đi rừng chưa thay lá

Anh về rừng lá thay chưa

Phố củ bây chừ xa lạ

hắt hiu đợi gió giao mùa

Khi nàng Kiều tiễn chân Thúc sinh về quê vợ, cụ Nguyễn Du đã lồng vào cảnh mùa thu:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Cũng khi trời vào thu thì nhiệt độ hạ thấp, nước ngầm trong đất bị đông lại nên thực vật phải thich nghi với sự thay đổi khí hậu bằng cách rụng lá, nhưng trước đó, lá cây từ từ chuyển màu từ xanh sang màu vàng, màu đỏ, –nhuốm màu quan san – như mọi rừng ôn đới có lá rụng (temperate deciduous forest ) ở Canada.

Loại rừng này có ở các vùng miền hạ lưu sông Dương Tử, sông Hoàng hà, nghĩa là các vùng khí hậu ôn đới . Loại rừng này cũng có nhiều bên Âu Châu (Pháp, Đức ..) và ngoài cây phong (tên Latin là Acer, họ Aceraceae), còn có nhiều loại cây khác như cây sồi (chêne; oak), cây sồi rừng (hêtre), cây tần bì (frêne; ash), cây lê đá (sorbier), cây đào gai (aubépine), cây hồ đào ( noyer; walnut); cây dẻ (chataignier; chesnut); cây dương (peuplier; poplar); cây du (orme; elm), cây dẻ (marronnier; common-horse chesnut). Loại rừng này hiện diện ở các vùng núi phía Montreal, Sherbrooke, Hull, Trois Rivieres) …Gần mặt đất, trong loại rừng ôn đới này có nhiều loài dương sĩ, thảm cỏ tươi, thảm cỏ mục. Động vật thì gặp các loài chồn, chim, sóc ..

Tưởng cũng cần nói thêm là trên thế giới, tùy theo khí hậu, ta có những loại rừng khác nhau. Vài ví dụ: tại Việt Nam, Indonesia, Mã Lai cũng như vùng Amazone bên Brésil, có rừng mưa nhiệt đới (tropical rainforest), có nhiều tầng cây con chằng chịt.

Cũng có loại rừng khô nhiệt đới (tropical seasonal forest) khi có mùa khô kéo dài như các rừng Đông Bắc Ấn độ, Đông Bắc Thái Lan.

Trên kia là nói về rừng ôn đới trong đó có cây phong là cây chiếm dạng ưu thế .Nhưng ở ven sông, thường có nhiều đất ẩm thì thực vật cảnh hay quần xã thực vật thường gặp là một loại rừng khác, có tên là rừng ở bờ nước (riparian forest) với những rặng liễu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang 

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

(thơ Xuân Diệu)

hoặc cây liễu như trong câu Kiều:

Sông Tần một giải xanh xanh

Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan

2.5 rừng có vai trò hỗ trợ như giúp tạo ra đất, làm nhiều khối đá đầu tiên vỡ ra . Thực vật với rễ cây có thể xuyên qua các khe nứt của đá và dần dà làm đá bể ra, tạo điều kiện dễ dàng cho đất hình thành ; rễ cây và vi sinh vật thải vào môi trường chất CO2 và các acid khác nhau để huỷ hoại các khoáng chất trong đá, giúp sự phong hoá dễ dàng hơn

3. Kết luận

Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu do sự phát thải  các khí độc của các nhà máy, xe cộ, kéo theo nhiều hệ quả như băng hà tan, nước biển dâng, bão lụt tăng thì vai trò bảo vệ môi tr ường lại càng quan trọng hơn .

Do đó, giáo dục môi sinh trong học đường rất cần thiết; những thơ văn, ca dao, tục ngữ đề cao vai trò của môi sinh, từ sông ngòi đến  thác nước sẽ giúp trẻ em học sinh hiểu nhanh hơn vai trò cûa con người trong các hệ sinh thái nhằm bảo vệ chung trái đất.Giáo dục  cho mọi người về sự cần thiết của niềm đồng cảm giữa người và vũ trụ, tình gắn bó giữa con người với thiên nhiên để con người yêu thêm thiên nhiên, tạo vật, tìm lại mây trời hiền hoà, màu xanh của nước và của  núi rừng, nói theo danh từ thời đại là green awareness và từ đó thấy sự cần thiết có một sự hài hoà giữa dân số và thiên nhiên, hài hoà giữa thiên nhiên  và phát triển kinh tế, một sự hài hoà mà chính hệ thống triết học Á Đông luôn luôn đề cao.

Thái Công Tụng

.

Rồng Trong Ngôn Ngữ Và Văn Học Dân Gian Việt Nam

Trong thực tế đời sống, từ săn bắt hái lượm đến định cư nông nghiệp, dân Việt cổ thường gặp phải những tai nạn ở sông biển, mà họ cho là do thủy quái, một loài động vật ở nước gây ra. Chính vì thế mà họ đã vẽ mình, xăm trên thân hình những dạng hình ngoằn ngoèo (truyền thuyết kể là từ đời Hùng Vương) và mãi đến đời Trần mới bãi bỏ.

Chính cái truyền thuyết về Con Rồng Cháu Tiên là một thứ truyền thuyết Việt cổ đã bị khúc xạ bởi yếu tố văn hóa ngoại nhập, văn hóa Hán tộc.

Suốt quá trình bị đô hộ và sau đó là giao lưu văn hóa với Trung Hoa, khái niệm rồng của Trung Hoa mới du nhập Việt Nam. Từ đó, người Việt mới có khái niệm rồng như là một con vật linh thiêng, trong hệ thống tứ linh: long, lân, quy, phụng. Và từ đó, trong ngôn ngữ, từ long hay rồng mới gắn với cương vị đế vương, vua chúa, hay những thực thể cao quý. Như một loạt từ sau đây:

Long thể: thân thể vua Long nhan: mặt vua Long sàng: giường vua Long ngai: ngai vua Long cổn, long bào: áo vua Long châu, long thuyền: thuyền vua…

Và hình ảnh tưởng tượng của rồng cũng đã chi phối cách mô tả ngoại hình các bậc vua chúa của nhà văn: râu rồng, mũi rồng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non v.v…

Đó là trong ngôn ngữ và văn chương bác học. Còn trong ngôn ngữ và văn học dân gian, từ rồng, hình tượng rồng được dùng mở rộng hơn. Và tất nhiên là không mấy hệ thống. Nên đề cập về hình tượng rồng, từ rồng trong ngôn ngữ và văn học dân gian là một câu chuyện tản mạn, có tính chất phiếm luận.

Có thể thấy dân gian quan niệm về rồng tản mạn như sau:

1. Cá gáy hóa rồng:

Quan niệm này cũng tiếp thu từ Trung Hoa. Ca dao ta nói:

Mồng bốn cá đi ăn thề. Mồng tám cá về cá vượt Vũ môn.

Vũ môn, tức cửa Vũ gồm có ba tầng. Ở Trung Quốc và ở Việt Nam ta đều có địa điểm này. Đó là nơi mà người xưa tưởng là cá trải qua cuộc thi khảo sát về trình độ và năng lực. Nếu vượt qua ba cấp Vũ môn thì sẽ hóa rồng(!)

Từ khái niệm cụ thể đó, thành ngữ “cá hóa rồng” thường dùng để chỉ việc thi cử thành đạt của sĩ tử ngày xưa. Dân gian đã từng nuôi ước mơ:

Biết bao giờ cá gáy hóa rồng, Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa

Khái niệm này cũng được mở rộng, dùng để chỉ cho việc người con gái lấy được người chồng xứng đáng:

Phận gái lấy được chồng khôn, Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng.

2. Rồng nở từ trứng và ở hang.

Nhưng trong dân gian cũng có một quan niệm khác: rồng cũng sinh sản như rắn:

– Trứng rồng thì nở ra rồng Liu điu thì nở ra dòng liu điu. Hay: Trứng rồng thì nở ra rồng, Hạt thông thì nẩy cây thông rườm rà.

Và rồng cũng ở hang:

– Lấy chồng thì phải theo chồng, Chồng đi hang rắn, hang rồng, cũng đi.

Quan niệm này hẳn có màu sắc bản địa hơn quan niệm trên kia.

3. Trong ngôn ngữ và văn học dân gian, rồng là một yếu tố ví von, so sánh để biểu đạt một số mặt sinh hoạt của con người, như ăn, nói, viết, giao tế, thời vận, tình yêu, nhận định về con người và cuộc sống.

Trước hết về chuyện ăn. Chỉ có một thành ngữ: “ăn như rồng cuốn”. Rồng cuốn tức là rồng hút, chỉ hiện tượng vòi rồng trong tự nhiên, như cách chiêm nghiệm thời tiết:

Rồng đen uống nước thì nắng, Rồng trắng uống nước thì mưa.

Về chữ viết, người văn hay chữ tốt thường được ca ngợi “như rồng bay phượng múa”.

Ngay cả lời nói: “nói như rồng” là nói thao thao bất tuyệt:

Trong lưng chẳng có một đồng, Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe.

Nhưng coi chừng, bao giờ cũng cần nói đúng thực chất, nói phù hợp với kiến thức mà mình tiêu hóa, nếu không dễ trở thành khập khiễng: “nói những lời như rồng như rắn”. Thêm yếu tố rắn làm chuyển đổi giá trị tức khắc:

Học chẳng biết chữ cua, chữ còng, Nói những lời như rồng, như rắn!

Trên phương diện giao tế, dân gian dùng thành ngữ: “rồng đến nhà tôm” để vừa tỏ sự tự khiêm, nhún nhường của gia chủ, vừa ca ngợi người khách quý. Nhưng có khi, đó cũng là cách mai mỉa:

Mấy đời rồng đến nhà tôm. Tôi đến nhà chị không môn thì bầu.

Âu cũng là một lối giao tế thực dụng. Và quen thuộc nhất là rồng chỉ thời vận. Hanh thông như là “rồng gặp mây”. Thường chỉ người thành đạt khoa cử:

“Như cá gặp nước, như rồng gặp mây”

Nhưng mất yếu tố thời vận thì chỉ là “rồng nằm ở cạn”, không còn vùng vẫy, múa may gì được, mà chỉ còn trơ hình hài:

Rồng nằm bể cạn giơ râu, Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi. Hay đau khổ hơn là:

Rồng vàng tắm nước ao tù, Người khôn ở với đứa ngu bực mình.

Đó cũng là cái tình thế bất như ý:

Khốn nạn thay, nhạn ở với ruồi, Tiên ở với cú, người cười với ma Con công ăn lẫn với gà, Rồng kia rắn nọ, coi đà sao nên.

Dễ thường mấy khi rồng mây được dùng để chỉ lứa đôi, vì những hình tượng khác quyến rũ hơn, như: mận – đào, loan – phượng, yến -oanh, gió – trăng v.v… nhưng điều đó cũng có:

Mấy khi rồng gặp mây đây, Để rồng than thở với mây vài lời. Nữa mai rồng ngược mây xuôi, Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.

Như thế, “lời rồng mây” cũng là lời hẹn thề, lời chung thủy, lời nước non.

Họa hoằn lắm, rồng được dùng như là một biểu tượng của ngăn trở, của cách chia:

Ngồi buồn gởi bức thư sang, Có con rồng bạch chắn ngang giữa trời Vậy nên thơ chẳng tới nơi, Trông thơ, ai biết những lời làm sao.

Ở trên, đã nhắc đến những kết hợp rồng – phượng, rồng – rắn. Ngoài ra, còn có kết hợp rồng – hổ, theo dạng thức đối lập, trong cách ví von nhẹ nhàng mà không kém sâu sắc và mai mỉa, đồng thời lại là chơi chữ:

Xấu hổ nhưng mà tốt long Đến khi no lòng, tốt cả long lẫn hổ.

Trong nghệ thuật dân gian và cung đình Việt Nam cũng như Trung Hoa, rồng là hình tượng trang trí quen thuộc trên lâu đài đình tạ am miếu, như những mô típ: lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nguyệt, long hý châu, long lộng vũ, long ẩn, và đặc biệt là các điệu hóa cả chiếc thuyền vua, long thuyền tức thuyền rồng. Đến nỗi có người con gái nghèo mơ ước:

Vốn tôi chỉ có ba đồng, Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi. Còn thừa mua cái bình vôi, Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn. Còn thừa mua nhiễu vấn khăn, Mua dăm vuông vóc may chăn cho chàng. Còn thừa mua chiếc thuyền rồng, Đem ra cửa bể cho chàng thả chơi…

Cũng là lời nói ngoa cho đỡ day dứt cảnh nghèo, chứ dân giả ai mà chẳng biết:

Tay chèo cất mái hò khoan Thuyền rồng chúa ngự, khoan khoan mái chèo.

Một kiểu nói khác bày tỏ sự ước ao sang cả, biểu hiện một tâm lý hưởng thụ, để trở thành phản bội: Một ngày dựa mạn thuyền rồng, Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài.

Cách nói ấy tất nhiên bị phủ định bằng một suy nghĩ chín chắn hơn, xác thật hơn:

Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng, Tuy rằng tốt đẹp, nhưng chồng người ta.

Và quả thật, dân gian đã xét đoán đúng giá trị con người, nhìn đúng thực chất con người, không lệ thuộc những thứ trang sức phù hoa, những thứ trang hoàng sang trọng:

Dù ngồi cửa sổ chạm rồng Chăn loan gối phượng, không chồng cũng hư

Nhưng sâu sắc và không kém chua chát là lời cảm thán sau đây:

Khen ai khéo dựng bình phong, Bên ngoài long phượng, trong lòng gạch vôi!

Trong một cách nói ngoa ngữ, cường điệu, một chi tiết thiếu bình thường trên gương mặt người con gái cũng có thể bị châm biếm một cách dí dỏm:

Lỗ mũi em mười tám gánh lông, Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho.

Đúng là người lớn lắm chuyện. Hãy trở về với thế giới trẻ em. Trong tâm tưởng hồn nhiên, ngây thơ của trẻ em qua đồng dao, rồng đã là một biểu tượng của hạnh phúc, của ấm no, giàu có như lời chúc tụng của trẻ em ngày xưa đối với gia chủ trong những ngày tết nguyên đán:

Súc sắc súc sẻ, Nhà nào còn đèn còn lửa, Mở cửa cho anh em chúng tôi vào, Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp. Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu. Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ…

Đó cũng là lời chúc tất cả bạn đọc trước thềm năm mới.

T.Đ (SH29/02-88)

Những Phát Ngôn Và Trích Dẫn Nổi Tiếng Trong Lịch Sử Việt Nam

Hy vọng người xem chỉ coi đây là tập hợp ” những phát ngôn nổi tiếng” chứ không nhầm lẫn đó là ” những câu nói hay trong lịch sử Việt Nam”.Khi có thời gian rãnh, tôi sẽ tập hợp 1 danh sách khác, tập hợp những phát ngôn hay trong lịch sử nước nhà.

Những phát ngôn và trích dẫn nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

“Phiền sứ giả về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt, một cái nón sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc.”. ( Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng.)

“Ngày mai, nếu ai đem sính lễ đến trước thì được rước dâu về. ( Hùng Vương thứ 18, truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh.).

” Bách nghệ tổ sư/ Tản Viên sơn thánh” ( biệt danh của Sơn Tinh)

” Giặc ở sau lưng nhà vua đấy!” ( Thần Kim Quy, truyện An Dương Vương.)

“Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù” ( Mỵ Châu, truyện An Dương Vương)

” Ngàn tây nổi ánh phong trần Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên” (Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trích Đại Nam quốc sử diễn ca.)

“Quân giặc chưa dẹp được, dưới thì nước lụt, trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, trông lên thấy diều hâu đang bay bỗng sa xuống nước chết, nằm nghĩ đến lời Thiếu Du mới thấy là chí lý.” ( Mã Viện, Hậu Hán Thư, Mã Viện truyện.)

” Quân đi mười phần, quân về chỉ còn bốn năm phần.” ( Hậu Hán Thư, Mã Viện truyện.)

” Luật Việt khác luật Hán hơn mười điều.” ( Mã Viện, Hậu Hán Thư, Mã Viện truyện.)

” Nhụy Kiều Tướng Quân ( vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa).” ( danh xưng của Bà Triệu)

” Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, chứ không chịu quỳ gối khom lưng làm tì thiếp cho người.” ( Bà Triệu.)

” Có Bà Triệu tướng, Vâng mệnh trời ra. Trị voi một ngà, Dựng cờ mở nước. Lệnh truyền sau trước, Theo gót Bà Vương.” (Lời nói của viên đá thần trong truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.)

” Hoàng qua đương hổ dị, đối diện bà Vương nan.( múa ngang ngọn giáo đánh nhau với hổ còn dễ hơn đối mặt với vua bà).” ( lời quân Ngô nói về Bà Triệu, không rõ nguồn.)

” Dạ Trạch Vương.( Vua Đầm Đêm)” ( danh xưng của Triệu Quang Phục.)

” Ngày xưa đây là đầm Một Đêm mà bay lên trời, ngày nay cũng là đầm Một Đêm nhưng chết người.” ( Trần Bá Tiên, không rõ nguồn.)

” Mai Hắc Đế.” ( danh xưng của Mai Phúc Loan.)

” Cống vải từ nay Đường phải dứt, Dân nước đời đời hưởng phước chung.” ( ca dao dân gian về cuộc khởi nghĩa của Mai Phúc Loan.)

” Bố Cái Đại Vương ( vị vua như cha mẹ của dân.).” ( danh xưng của Phùng Hưng.).

” Cờ Lau Vạn Thắng Vương.” ( danh xưng của Đinh Bộ Lĩnh.)

“Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn” ( chức vụ của Lê Hoàn trước khi trở thành vua.)

“Lê Ngọa Triều” ( Thụy hiệu của Lê Long Đĩnh)

“Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô. ( Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa. Thực là chỗ tụ họp trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bật nhất của đế vương muôn đời).” ( Lý Thái Tổ, Thiên Đô chiếu, năm 1010.)

” Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận ( đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết) Đình tiền tạc dạ nhất chi mai ( đêm qua – sân trước – một cành mai)” ( Thiền sư Mãn Giác, bài ” Cáo tật thị chúng”)

” Trẫm không tự cày thì lấy gì mà xôi cúng, lấy gì để thiên hạ noi theo?” ( Lý Thái Tông tại lễ cày ruộng tịch điền, năm 1038.)

” Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặt mũi nhọn của giặc.” ( Lý Thường Kiệt).

” Bệ hạ hỏi ai có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường ra còn ai nữa.” ( Tô Hiến Thành.)

” Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?” ( Trần Thủ Độ)

” Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ sâu.” ( Trần Thủ Độ)

” Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa “ ( Trần Thủ Độ)

” Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo.” ( Trần Thủ Độ)

” Nhập Tống.” ( Trần Nhật Hiệu)

” Nên đánh hay hàng? Đánh! Đánh!” ( Hội nghị Diên Hồng)

” Sát Thát!” ( chữ xăm trên cánh tay của quân dân thời Trần.)

” Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” ( Trần Bình Trọng)

” Bệ hạ chém đầu thần đã hãy hàng.” ( Trần Hưng Đạo)

“Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”. ( Trần Hưng Đạo)

” Năm nay thế giặc dễ đánh” ( Trần Hưng Đạo)

“Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông.” ( Trần Hưng Đạo)

” Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây này bọc trong da ngựa, ta cũng vui lòng.” ( Trần Hưng Đạo, Hịch Tướng Sĩ.)

” Dĩ đoản binh chế trường trận” ( Trần Hưng Đạo, lời trăn trối)

” Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước.” ( Trần Hưng Đạo, lời trăn trối.)

” Phá cường địch, báo hoàng ân.” ( Trần Quốc Toản)

” Chúng tôi thà suốt đời làm gia nô chứ không làm quan mà mang tiếng là người không trung hiếu.” ( Yết Kiêu)

“Cối Kê hựu sự quân tu ký (Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ) Hoan Diễn do tồn thập vạn binh” (Hoan Diễn kia còn chục vạn quân) (Trần Nhân Tông)

” Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, (Xã tắc hai phen bon ngựa đá) Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”( Non sông ngàn thuở vững âu vàng.) ( Trần Nhân Tông)

” Tướng là chim ưng, quân dân là vịt. Lấy vịt nuôi chim ưng thì có gì là lạ?” ( Trần Khánh Dư.)

“Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh không thua, người khéo thua không chết.” (Trần Khánh Dư)

” Nhật: hỏa; vân: yên; bạch trú thiêu tàn ngọc thố” “Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô.” ( Mạc Đĩnh Chi đối đáp triều đình nhà Nguyên)

” Đọc sách triệu trang mà bất lực Bạc đầu xin phụ nỗi thương dân.” ( Trần Nguyên Đán)

” Làm sao để có trăm vạn quân để chống giặc Bắc?” ( Hồ Quý Ly)

” Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo.” ( Hồ Nguyên Trừng.)

” Tướng quốc tài nan tàm Lý Bật, ( Tướng quân nhưng tài kém nghĩ thẹn với Lý Bật.) Thiên đô kế chuyết khốc Bàn Canh.( Dời đô kế vụng, khóc Bàn Canh.) ( Hồ Nguyên Trừng)

” Người Nam ta mà được ăn đầu người Bắc à?” ( Nguyễn Biểu)

” THời lai đồ điếu thành công dị, ( gặp thời thì hạng hàng thịt, đi câu cũng nên sự nghiệp.) Vận khứ anh hung ẩm hận đa. ( Lỡ vận thì anh hùng cũng chỉ còn biết nuốt hận mà thôi.)” ( Đặng Dung, bài thơ Thuật Hoài.)

” Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật ( Họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày ) Anh hùng di hận kỷ thiên niên ( Anh hùng để lại mối hận nghìn năm) ( Nguyễn Trãi nói về Hồ Quý Ly, bài ” quan hải”)

” Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân ( Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân) Điếu phạt chi sư mạc tiên khử bạo ( Quân điếu phạt trước lo trừ bạo).” ( Nguyễn Trãi, ” bình Ngô đại cáo”)

” Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, Dùng chí nhân thay cường bạo.” ( Nguyễn Trãi, ” bình Ngô đại cáo”)

” Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, Có nhân, có trí, có anh hùng.” ( Nguyễn Trãi, Bảo Kính Cảnh Giới, bài 5)

” Hiền tài là nguyên khí quốc gia” ( Thân Nhân Trung)

“Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ để lại mà làm mồi cho giặc thì kẻ đó sẽ bị trừng trị nặng”. ( Lê Thánh Tông)

” Ức Trai chi thượng tâm khuê tảo.( Lòng Ức Trai sáng tựa sao khuê.)” ( Lê Thánh Tông)

“Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo.” ( Lê Thánh Tông)

” Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.” ( Ca dao)

” Tấc đất, tấc vàng.” ( ca dao)

” Con ơi nhớ lấy câu này Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.” ( Ca dao)

” Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” ( Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiến kế cho Nguyễn Hoàng)

“Cao Bằng tuy tiểu khả dung sổ thế” ( Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiến kế cho nhà Mạc)

” Giữ chùa thờ phật thì ăn oản” ( Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiến kế cho Trịnh Kiểm)

” Đồng trụ chí kim đài dĩ lục.” ” Đằng giang tự cổ huyết do hồng.” ( Giang Văn Minh đối đáp triều đình Sùng Trinh.)

” Dư bất thụ sắc ( ta không nhận sắc)” ( Đào Duy Từ, mở đầu nội chiến Trịnh-Nguyễn)

” Tướng vô tài, sĩ bất lai” ( tướng không tiền, quân không tìm đến) ( người Khách khuyên Hoàng Ngũ Phúc)

“Danh phận không rõ từ lâu, thuận nghịch lấy gì mà phân biệt.” ( Phạm Công Thế)

” Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán Phá vòng vây bạn với kim ô Giang sơn khách diệc tri hồ?” (Nguyễn Hữu Cầu, bài ” Chim trong lồng”)

” Chiều chiều én liệng truông mây Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành” ( ca dao về khởi nghĩa chàng Lía)

” Trăm quan thì được tước hầu Mười quan tước bá, ai nào kém ai.” ( ca dao, ám chỉ tệ mua quan bán tước thời Lê-Trịnh)

” Sợ thầy không bằng sợ giặc. Quý chúa không bằng quý thân.” ( Nguyễn Khang, kẻ bắt chúa Trịnh Khải giao cho Tây Sơn)

” Cơ đồ họ Trịnh đã tan, việc này cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải!” ( Nguyễn Huệ)

” Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho chúng chích luân bất phản, đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn, đánh cho chúng biết sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.” ( Nguyễn Huệ, theo ” Minh Đô Sử”)

” Mà nay áo vải cờ đào Giúp dân dựng nước xiết bao công trình” ( Lê Ngọc Hân, bài ” Ai tư vãn”)

“Ai công hầu, ai khanh tướng, giữa trần ai, ai dễ biết ai” ( Đặng Trần Thường)

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” ( Ngô Thì Nhậm)

” Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.” ( Nguyễn Du)

” Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” ( Nguyễn Du)

” Ví đây đổi phận làm trai được Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” ( Hồ Xuân Hương)

” Trên trời có ông sao tua Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành” ( ca dao về khởi nghĩa Phan Bá Vành)

” Bắc sứ lai triều Tây Sơn phục quốc” ( câu đối giữa vua Thiệu Trị và hoàng tử Hồng Bảo)

“Làm trai đứng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông.” ( Nguyễn Công Trứ)

” Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa, Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.” ( Nguyễn Công Trứ nói về truyện Kiều)

” Nhớ câu kiến ngãi bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” ( Nguyễn Đình Chiểu, truyện ” Lục Vân Tiên”)

” Bình Tây đại nguyên soái Trương Định.” ( danh xưng của Trương Định)

” Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây.” ( Nguyễn Trung Trực.)

” Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm tuốt Kiên Giang khấp quỷ thần.” ( câu đối về Nguyễn Trung Trực.)

” Hỡi ôi. Súng giặc đất rền. Lòng dân trời tỏ.” ( Nguyễn Đình Chiểu, ” văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”)

“Rập rình trống đánh cờ xiêu Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây…” ( khởi nghĩa Trần Tấn, Đặng Như Mai.)

” Phan, Lâm mãi quốc. Triều đình khi dân” ( Được cho là dân Nam Kỳ nói về Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp. Sau có nguồn cho rằng đây là lời của Phan Bội Châu. Từ ” mãi” ( mua) là do bị hiểu sai từ Hán Việt)

” Tay bẩn lấy nước mà rửa Nước bẩn lấy máu mà rửa” ( Vua Duy Tân)

” Dựng gan góc để đập tan sắt lửa, Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ.” ( Phan Bội Châu)

” Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” ( khẩu hiệu của phong trào Duy Tân)

“Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây Nghề này thì lấy ông này tiên sư” (Ca dao về Khải Định)

” Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn.” ( Phạm Quỳnh)

” Chém cha con đĩ Kiều” ( Huỳnh Thúc Kháng)

” Nén bạc đâm toạc tờ giấy” ( Vũ Trọng Phụng qua lời Nghị Hách, tác phẩm “Giông Tố”.)

” Các ông muốn nghệ thuật cứ mãi là nghệ thuật. Tôi và những nhà văn cùng chí hướng, muốn nghệ thuật là sự thực ở đời.” ( Vũ Trọng Phụng)

” Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia, phát ra từ những kiếp lầm than.” ( Nam Cao)

” Tao muốn làm người lương thiện… Ai cho ta làm người lương thiện?” ( Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo.)

“Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” (Vua Bảo Đại)

” KHông có gì quý hơn độc lập tự do.” ( Hồ Chí Minh)

” Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” ( Hồ Chí Minh, ” Lịch sử nước ta”)

” Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập.” ( Hồ Chí Minh, cách mạng tháng 8/1945)

” Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em.” ( Hồ Chí Minh)

” Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.” ( Hồ Chí Minh)

” Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.” ( Hồ Chí Minh)

“Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?” ( Hồ Chí Minh)

“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.” ( Hồ Chí Minh)

” Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh.” ( Hồ Chí Minh)

” Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” ( Hồ Chí Minh)

” Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc.Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.” ( Hồ Chí Minh)

” Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết Thành công, thành công, đại thành công” ( Hồ Chí Minh)

” Từ thuở mang gươm đi mở cõi Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” ( tướng Huỳnh Văn Nghệ)

” Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17″ ( Thực ra nguyên văn là: “With regard to security, the frontiers of the United States do not stop at the Atlantic and Pacific Coasts, but extend, in South East Asia, to the Ben Hai river, which partitions Viet-Nam at the 17th parallel, and forms the threatened border of the Free World, which we all cherish” (Xét theo vấn đề an ninh thì biên giới (hay tiền đồn) của nước Mỹ không dừng ở Tây duyên Hải hay Đông Duyên hải (giáp Đại Tây Dương hay TBD), mà còn kéo dài đến sông Bến Hải ở Đ (thứ chia cắt biên giới VN tại vĩ tuyến 17) tạo nên ranh giới (bị đe dọa) của Thế Giới Tự Do mà chúng ta đều yêu mến.) ( Ngô Đình Diệm. Về phía biện hộ cho câu nói, có rất nhiều bài viết kiểu ” thật ra câu nói là như vầy…”. Nhưng nội dung chi tiết ” nguyên văn câu nói” ấy tuỳ theo bản lại không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Xin ghi ra 1 bản ” nguyên văn” như thế ở trên để tham khảo.)

” Không có hiệp thương tổng tuyển cử.” ( Ngô Đình Diệm)

“Thà mất nước chứ không thà mất Chúa” ( linh mục Hoàng Quỳnh)

” Nhằm thẳng quân thù mà bắn” ( tướng Nguyễn Viết Xuân tại trận địa pháo Quảng Bình, sau thành khẩu hiệu của lực lượng phòng không không quân thời chống Mỹ.)

” Tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt” ( tướng Nguyễn Chí Thanh)

“Bám thắt lưng địch mà đánh” ( tướng Nguyễn Chí Thanh)

“1 ngày bằng 20 năm” ( khẩu hiệu trong chiến dịch Hồ Chí Minh)

” Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa; Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa.” ( Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Hồ Chí Minh)

” con ma nhà họ Hứa” ( dựa trên tên của một giai thoại hồn ma nổi tiếng ở miền Nam. Do tên trùng từ “hứa” – lời hứa- nên về sau biến thành thành ngữ để chỉ những người không giữ lời)

” thanh minh – thanh nga” ( nghệ sĩ Thanh Nga của đoàn hát Thanh Minh nổi tiếng những năm 197X – do tên trùng với ” thanh minh” – biện bạch – nên về sau biến thành thành ngữ ám chỉ hành động biện bạch, cãi cùn.)