Top 10 # Thư Pháp Lời Phật Dạy Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 3/2023 # Top Trend | Boxxyno.com

Phật Pháp Vô Biên : 14 Lời Phật Dạy

14 lời Phật dạy

Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá

Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.

Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị

Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất chính mình.

Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.

Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti.

Đáng thương lớn nhất của đời người là biết đứng lên sau vấp ngã

Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.

Tài sản lớn nhất của đời người là sức ép, trí tuệ.

Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.

Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.

Khuyết điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.

An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Suy luận chung

Qua 14 lời Phật dạy ta có thể tựu chung lại là cuộc đời của mỗi con người hạnh phúc hay khổ đau phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Các yếu tố bên ngoài chỉ là những tác nhân để thử thách xem con người có vượt qua được chính không chứ nó không có tính quyết định. Hãy cứ sống một cách tự tin, yêu chính con người mình,dù có bị vấp ngã thì cũng đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống mà hãy biết đứng lên , sống chân thật, loại bỏ đi những tính xấu như anh ghét đố kỵ để tâm hồn được thanh thản hơn.Trong lao động và học đừng bao giờ cho mình là nhất “ núi cao thì sẽ có núi cao hơn “ vì thế đừng bao giờ ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân mình hơn. Với những ai bất hơn mình hãy biết bố thí để tích thêm ơn đức.

Đối với những người xung quanh hãy biết khoan dung và chia sẻ nhiều hơn thì ta cũng sẽ nhận lại được như vậy. Và điều quan trọng nhất hãy trân trọng tình cảm mà người khác dành cho mình để cuộc đời có thêm ý nghĩa. Làm được như vậy ta sẽ cảm nghiệm rõ Phật pháp vô biên và huyền diệu ra sao.

Phương Pháp Làm Giàu Theo Lời Phật Dạy

Nhà cao cửa rộng xe cộ máy móc, tiện nghi hiện đại, được xem là giàu, nhưng thực sự nợ vây tứ phía, tạm gọi là sang chứ chưa phải là giàu. Người xài sang như thế cũng đồng nghĩa là nghèo, vì tài khoản trống rỗng.

Người có mức thu nhập thấp, nhưng tiêu xài dè xẻn, chi tiêu dưới mức thu nhập để tích lũy lâu ngày dài tháng, có dư cũng được xem là giàu. Giàu so với mức thu nhập mà không phải nợ nần. Đó là nói về vật chất, về lợi nhuận chứ không nói đến tâm lý, tình cảm, niềm tin tôn giáo… Đó là giàu theo quan niệm thế tục.

Người có trăm triệu gọi là giàu so với người có tài sản ít hơn, nhưng người có trăm triệu vẫn chưa gọi là giàu so với người có hàng tỷ bạc. Như vậy giàu chỉ là ước lệ tương đối. Tuy vậy, việc làm giàu theo quan niệm từng cá nhân, đều có mẫu số chung theo một tiêu chuẩn đạo đức nhất định.

Người giàu do làm ăn chân chính bằng đôi tay và khối óc, được đức Phật khen ngợi, khuyến khích, chẳng những thế, kế hoạch tồn tại lâu dài cho việc sung túc vật chất, tiền của, được Đức Phật dạy rất kỹ.

Làm thế nào để kinh doanh thành công?

Một trong những nguyên nhân thành đạt trong kinh doanh là phát tâm cúng dường, bố thí và giữ đúng lời hứa. Thực hiện đúng lời hứa không những giữ uy tín mà còn lưu phước cho hậu kiếp.

Một ví dụ sau đây được trích trong Tăng Chi Bộ- Đại tạng kinh:

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, vườn Ghosita, rồi Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn? Có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn?

– Này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn.

Như ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho như đã hứa. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn.

Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho nhiều hơn như đã hứa. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng đạt được thành tựu ngoài ý muốn.

Như vậy, làm giàu không chỉ mục đích kiếm sống mà còn phải biết tích lũy phước báu qua việc làm, trong đó có bố thí, cúng dường và thực hiện điều mình phát tâm. Bằng cớ không thiếu người thành đạt trong kinh doanh, nhưng không lâu bền, do tâm bất chánh hiện tại hoặc phước quá khứ không đủ. Làm giàu không chỉ do kinh nghiệm, do linh hoạt, do nhìn xa trông rộng mà còn một yếu tố quan trọng là tâm đức, là phước báu.

Trên thương trường được gọi là chiến trường, không ai là kẻ khờ dại. Khi thất bại cứ nghĩ tại không gặp thời hay bị xui rủi. Người thành đạt chưa hẳn vốn nhiều, chưa hẳn giỏi hơn ai, chưa hẳn có thế lực. Cái quan trọng là gốc rễ, nền tảng của phước báu đã gieo trồng trong quá khứ.

Thông thường mọi người đều tự an ủi: “Mưu sự tại người, thành sự tại trời”. Với nhà Phật, ông Trời không can dự vào việc thành bại nên hư của con người mà do chính con người chủ động, là tác nhân mọi sự. Vì thế, Nguyễn Du từng bảo: “Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều”.

Việc khủng hoảng kinh tế trong một giai đoạn là điều tất yếu, thuộc cộng nghiệp. Tuy nhiên vẫn có những biệt nghiệp để vượt qua cuộc khủng hoảng. Ví dụ, nhiều năm qua bất động sản bị đóng băng, nhiều doanh nhân tán gia bại sản, thế mà vẫn có người suôn sẻ qua việc môi giới bán buôn. Điều nầy không thể lý giải theo luận cứ thông thường nếu không tin vào luật nhân quả.

Việc cúng dường quan trọng hơn bố thí. Bố thí 100 người thường không bằng cúng dường cho một vị giới đức tinh nghiêm. Cúng 100 vị giới đức tinh nghiêm không bằng cúng cho một bậc A La Hán… Ngoài việc cúng dường bố thí, chuyên tâm giữ giới và làm ăn lương thiện cũng là yếu tố không thể thiếu để đưa đến thành đạt và sự giàu có lâu bền.

Có 5 điều mà Phật dạy không nên kinh doanh, còn gọi là kinh doanh phi pháp trong Kinh Tăng Chi Bộ:

Không buôn bán vũ khí. Không buôn bán người. Không buôn bán thịt. Không buôn bán rượu. Không buôn bán thuốc độc.

Do quan niệm, “Phi thương bất phú,” ngày nay, một số người mất căn bản đạo đức đã bon chen làm giàu bằng mọi thủ đoạn thất đức mà hàng ngàn năm trước đức Phật đã khuyến cáo như trên. Không kể sự tổn hại sinh mạng của người và vật mà nhiều người phất lên rất mau để rồi lãnh những nghiệp báu khổ đau từ pháp luật đến tai nạn bệnh tật. Hủy hoại môi sinh, núi rừng, cũng là việc làm tổn đức.

Người Phật tử chân chính không nhắm mắt làm bừa để kiếm tiền mà phải kiếm tiền trên căn bản lòng từ và có trí tuệ.

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika:

– Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.

Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.

Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa Môn, Bà La Môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báu vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.

Làm giàu như Phật dạy còn có ý nghĩa tạo sự hoan hỷ cho mọi người từ gia đình đến xã hội, đó là cách làm giàu mang tính âm đức của người con Phật. Làm giàu không có tội mà chỉ có tội khi làm giàu bất chính, gây khổ đau cho mình cho người, cho mọi chúng sanh. Làm giàu chân chính vẫn là điều mà Đức Phật khuyến khích và tán thán chúng ta.

Hi vọng qua bài viết Phương pháp làm giàu theo lời Phật dạy sẽ mở rộng hơn kiến thức cho chúng ta đã đang và sẽ làm trên đường tạo dựng sự nghiệp. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị. Xin chân thành cám ơn!

Nguồn Blog Phật Giáo Tác Giả: Minh Mẫn

Lời Phật Dạy Về Sáu Pháp Lục Hòa

Lục hòa là gì?

Lục là 6, hòa là hòa thuận, vui vẻ với nhau trong mọi công việc của cuộc sống. Lục hòa là sáu phương pháp thể hiện nhân cách sống một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ và chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống.

Hòa ở đây với mục đích cao đẹp, lợi ích cho mình và người khác, chứ không phải thụ động nhu nhược, cũng không phải dùng thủ đoạn để âm thầm giành phần hơn về mình.

Trong gia đình, anh em sống không hòa thuận vui vẻ với nhau, thì tình cốt nhục chia lìa. Vợ chồng không hòa hợp, thì sự nghiệp gia đình khó mà thành tựu, con cái chịu ảnh hưởng cách sống của cha mẹ mà bị dằn dặt đau khổ. Ở chung làng xóm với nhau không hòa thì hay sinh ra rầy rà, gây lộn, cãi vả và kiện cáo hơn thua tranh giành hủy diệt lẫn nhau.

Sinh hoạt chung một đoàn thể nếu không hòa thuận thì đơn vị đó trước sau gì cũng tan rã, bởi gì không có sự hợp nhất và cảm thông cho nhau. Thế cho nên, chúng ta biết áp dụng tinh thần lục hòa vào trong đời sống hằng ngày, thì con người biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Hòa thuận là yếu tố quan trọng hơn hết trong mọi công việc, mọi tổ chức đoàn thể. Một gia đình biết sống hòa thuận thì gia đình có hạnh phúc, đất nước hòa thì nước nhà được bền vững và lâu dài, mọi người biết sống hòa hợp thì thế giới sẽ không còn chiến tranh binh đao, loạn lạc.

Chính vì sự quan trọng của nếp sống hòa thuận trong đời sống gia đình và xã hội, đức Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sinh nên đã chỉ dạy cho mọi người biết pháp lục hòa kính.  

A-Ý nghĩa và nội dung của lục hòa

1-Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung): Nghĩa là  cùng ở chung với nhau dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, sống hoà thuận, thương yêu đùm bọc giúp đỡ và san sẻ cho nhau, để làm tròn trách nhiệm công việc được phân công.

Khi đã sống chung và làm việc trong một tổ chức thì phải hòa thuận vui vẻ với nhau, không dùng uy quyền thế lực hay sức mạnh để lấn hiếp mà làm tổn hại cho nhau.

Trong một gia đình nếu là anh em, vợ chồng, con cái, thì phải biết kính trên nhường dưới, trên thuận dưới hòa, cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái biết phép tắc lễ nghi theo thứ tự lớn nhỏ, để mọi thành viên biết tôn trọng và quý kính lẫn nhau.

Nếu là Phật tử, cùng tu học với nhau trong một ngôi chùa, là những người bạn đạo, là đệ tử Phật thì cũng phải vui vẻ hòa thuận với nhau, không được chia phe phái công kích lẫn nhau mà làm ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh nhà chùa.

Nếu là đồng bào, cùng chung sống trong một đất nước, thì phải lấy sự đoàn kết dân tộc làm đầu với tinh thần không phân biệt chủng tộc hay màu da sắc áo. Dân gian Việt Nam có câu:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Tóm lại, đã cùng chung sống với nhau trong một hoàn cảnh, trong một giới hạn nào đó thì ta phải biết sống hòa hợp với nhau để làm tròn trách nhiệm của mỗi người.

2- Khẩu hoà vô tránh (lời nói hòa hợp không tranh cãi): sống không cãi nhau nhưng có quyền góp ý xây dựng với tinh thần hòa hợp cùng nhau học hỏi, không nói với nhau những lời gây chia rẽ bất hòa mà cần phải nói với nhau những lời vui vẻ, dịu dàng, hòa nhã, từ ái. Có người thân hòa mà miệng không hòa, ăn thua đủ với nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai nói xấu nhau, tạo ra sự chia rẽ về ý thức hệ nên dễ dẫn đến thù hằn ghét bỏ mà làm tổn hại cho nhau.

Lựa lời mà nói cũng có nghĩa là nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi và không nên nói ra những lời vô bổ mà có thể làm tổn thương cho người khác. Việc thực hiện theo nguyên tắc này có nghĩa là phải biết thận trọng trong sử dụng lời nói, trong chừng mực có thể được phải luôn chọn lựa những cách diễn đạt hòa nhã, êm dịu thay vì là căng thẳng, xúc phạm. Và điều cần thiết là phải tránh hẳn sự tranh cãi hơn thua.

Chính vì thế, thân hòa cùng chung ở chưa phải là đủ, mà Phật dạy cần phải hòa thuận trong giao tiếp và đối nhân xử thế. Nghĩa là chúng ta phải nói lời dịu dàng, hòa nhã với nhau, không được cãi lẫy, gây gỗ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn bạc cho ra lẽ đúng sai, thì tuyệt đối phải dùng lời nói ôn tồn, hòa nhã mà trau đổi với nhau.

3-Ý hoà đồng duyệt (ý hòa cùng vui): tâm ý luôn hoan hỷ vui vẻ với nhau, biết thông cảm với những suy nghĩ của người khác, không sanh tâm đố kỵ, kiêu ngạo, chỉ trích và phê phán.

Ý thức hệ là quan trọng hơn hết, nó là động cơ thúc đẩy miệng nói năng và thân hành động tốt hay xấu. Nếu xét công thì ý đứng đầu, mà kết tội cũng là do ý thức.

Trong gia đình, hai vợ chồng không cùng một quan điểm, không biết cảm thông cho nhau thì dễ phát sinh ra nạn bạo hành và cuối cùng dẫn đến ly hôn. Trong một đoàn thể hay một đất nước, nếu không thống nhất một quan điểm sẽ dẫn đến gây chia rẽ và tạo ra sự đối kháng mãnh liệt mà tìm cách hủy diệt lẫn nhau.

Ðức Phật đã thấu rõ như thế, nên Ngài dạy chúng ta sống chung với nhau phải có tâm ý vui vẻ hòa hợp và thông cảm cho những suy nghĩ không đồng quan điểm.

Chính vì thế, trước hết phải có sự hòa hợp tâm ý thì sau đó mới có thể cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp. Khi thực hiện theo nguyên tắc này, mọi người trong một tập thể phải có được sự đồng lòng nhất trí mà cùng nhau thực hiện mọi công việc để đạt được kết quả tốt đẹp.

Muốn được tâm ý hòa hợp, chúng ta phải tu hạnh từ bi hỷ xả. Hỷ xả nghĩa là vui vẻ, bỏ qua những lỗi lầm của người khác đã vô tình hoặc cố ý làm cho mình buồn khổ.

4- Giới hoà đồng tu (giới hòa cùng tu tập): Cùng nhau sống dưới một môi trường và đoàn thể, chúng ta phải biết tôn trọng và thực hành những giới pháp đã được chỉ dạy và tuân thủ quy định chung.

Trong đạo Phật, từ người xuất gia cho đến Phật tử tại gia, tùy theo địa vị cấp bậc tu hành của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Người tại gia thì thọ Ngũ Giới; người xuất gia thiì thọ 10 giới nếu là Sa Di, thọ 250 giới nếu là Tỳ kheo, thọ 348 giới nếu là Tỳ kheo Ni v.v…

Khi mọi người cùng hội họp lại một chỗ, hay cùng tham gia sinh hoạt trong một đoàn thể để tu học, mỗi người tùy theo khả năng của mình mà phát nguyện giữ giới nhằm có cơ hội sống tốt hơn.

Nói rộng ra, trong cuộc sống của chúng ta bất kể là đoàn thể nào đều phải lấy kỷ luật làm đầu. Trong nhà trường, nếu học sinh không giữ kỷ luật chung, ai muốn ra vô thì ra, ai muốn học chơi tùy sở thích thì trường trước sau gì cũng tan rã.

Trong sinh hoạt gia đình Phật tử, mỗi người đều tự ý làm theo suy nghĩ riêng của mình, không tuân thủ người hướng dẫn thì sinh hoạt ấy sớm muộn gì cũng tan rã.

Nói tóm lại, trong một đoàn thể, đạo hay đời, nếu không cùng nhau gìn giữ giới điều, kỷ luật, quy tắc, thì chúng ta không bao giờ sống chung và hòa hợp với nhau được. Vậy chúng ta muốn sống cùng hòa hợp với nhau để tu tập, thì mỗi người cần phải tôn trọng và gìn giữ giới luật như nhau.

5-Kiến hoà đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu): cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, cùng nhau góp ý xây dựng về quan điểm, cách nghĩ, cách làm, tất cả đều đặt trên cơ sở và nền tảng vì lợi ích chung cho mọi người.

Trong sự sống chung và cùng làm việc, mỗi người hiểu biết được điều gì tốt đẹp, phải giải bày và hướng dẫn cho nhiều người khác hiểu để họ cùng bắt chước và thực hành theo những gì có ích lợi.

Khi ta khám phá hay phát minh được một điều gì mới lạ, hay có một ý kiến gì lợi ích cho nhiều người, nếu ta không hướng dẫn cho người khác biết, thì ta trở thành kẻ tham lam, ích kỷ.

Người Phật tử tu học trong thời hiện đại với tam tạng kinh điển và có sự giải thích của nhiều người, nếu chúng ta không có trí tuệ sẽ không phân biệt được đâu là chánh, đâu là tà, đâu là phương tiện thiện xão, đâu là cứu cánh.

Trong trường hợp này, nếu người hiểu đúng và biết đúng mà không giải bày quan điểm, ý kiến của mình cho mọi người biết đúng sai thì sẽ dẫn đến tình trạng gây chia rẽ và làm hại cho nhau.

6-Lợi hoà đồng quân (lợi hòa cùng chia): Cùng sống chung với nhau dưới một môi trường, ta phải chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ, không được lạm dụng quyền hạn của mình để làm của riêng.           Trong khi sống chung, nếu có người đem cho vật thực, y phục, mền chiếu, thuốc thang v.v…thì phải đem ra chia đều cho nhau, không vì tình riêng, kẻ ít người nhiều, mà phải lấy sự công bằng làm trọng theo thứ tự lớn nhỏ.

Trong xã hội sở dĩ có sự bất bình đẳng với nhau dẫn đến đối kháng, phân chia giai cấp, cũng vì không biết lợi hòa đồng quân. Đây chính là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo tính hòa hợp của một tập thể, bởi vì khi thực hiện theo nguyên tắc này thì mọi người đều không còn phân biệt giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, đều xem rằng mọi giá trị vật chất có được đều là của chung, mọi người phải được chia đều  một cách bình đẳng không phân biệt.

Lợi ích của sáu pháp lục hòa

Kinh Pháp Cú viết:

“Vui thay hòa hợp tăng già 

Lành thay bốn chúng vui mà đồng tu’’.

Những lời dạy chân chính của đức Phật có được phát triển và tồn tại bền vững lâu dài hay không, là do nơi bốn chúng vui vẻ đồng tu với nhau trên tinh thần hòa hợp bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Thế gian ai cũng biết thực hành pháp lục hòa kính sẽ giúp cho chúng ta sống có nhân cách đạo đức, nên không bao giờ gây sự chia rẽ, đố kỵ, phân biệt để làm tổn hại cho nhau.

Giúp cho mọi sinh hoạt tập thể được phát triển theo tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thông cảm và biết chia sẻ cho nhau về mọi mặt từ vật chất lẫn tinh thần.

Lời khấn nguyện

Chúng con thành tâm đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chúng con thành tâm đảnh lễ Thánh đức Bồ-tát Quán Thế Âm.

Chúng con thành tâm đảnh lễ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Chúng con nguyện sống có ý thức và trách nhiệm hơn, luôn biết học hỏi và lắng nghe, để cùng nhau chia sẻ những khó khăn đối với gia đình và xã hội, để cuộc sống ngày càng được hạnh phúc hơn.

Kính lạy đấng Phật-đà ngài đã dạy cho chúng con biết sáu pháp sống hòa kính thương yêu tương trợ nhau bằng sự tôn trọng biết kính trên nhường dưới, chúng con nguyện thực hành và chia sẻ với mọi người về sáu phương pháp hòa hợp này.

Câu hỏi chia sẻ

1. Lục hòa là gì?

2. Lục hòa gồm những gì? Kể ra?

3. Lợi ích của pháp lục hòa là gì?

Bạn rút ra được bài học gì sau khi học xong bài Lục hòa?

II. Kết luận:

Tinh thần sáu pháp lục hoà kính là cẩm nang sống cao thượng của một cá nhân, là một nếp sống đạo đức đẹp, là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống cộng đồng xã hội.

Sáu nguyên tắc sống hoà hợp này được xem như là bản hiến pháp đầu tiên trong Phật giáo, nêu cao tinh thần trách nhiệm chung rất cởi mở, tự do, dân chủ và có ý thức trong mọi hoạt động.

Chúng tôi thiết nghĩ rằng, nguyên lý sống hòa hợp này không chỉ áp dụng trong Phật giáo mà nó có thể thích ứng trong mọi gia đình, học đường và bất cứ mọi hoạt động tổ chức cộng đồng nào cũng tốt đẹp.  

Thích Đạt Ma Phổ Giác - V

ườn hoa Phật giáo

Lời Phật Dạy : Xả Bỏ “Tự Ngã” Khi Thuyết Pháp

Hiện nay, sinh hoạt thuyết pháp phát triển sôi nổi ở nhiều nơi trong nước và hải ngoại. Người thuyết pháp không những là các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni mà còn có cả hàng cư sĩ.

Bên cạnh đó, nhờ vào phương tiện truyền thông hiện đại, những buổi giảng pháp của các pháp sư được ghi âm, thu hình và phát hành khắp nơi, mang lại nhiều lợi ích cho người học đạo tại gia cũng như xuất gia. Tuy nhiên, để hằng thuận chúng sinh một cách hiệu quả, thì việc thuyết pháp phù hợp với văn hóa địa phương, ngôn ngữ và hoàn cảnh cụ thể của đối tượng nghe pháp không phải đơn giản. Thuyết pháp cho người khác đòi hỏi vị pháp sư phải có đầy đủ năm đức tính mà đức Thích Tôn xác quyết trong Tăng Chi Bộ II như sau:

Đức Phật thuyết pháp…

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh. Tôn giả Ànanda thấy vậy bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh.

Này Ànanda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác, này Ànanda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm?

Ta sẽ thuyết pháp theo tuần tự; ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; ta sẽ thuyết pháp với lòng từ mẫn; ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật; ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và người. Này Ànanda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Diệu pháp, phần Tôn giả Udàyi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.611) [1].

Pháp sư đầy đủ năm đức này mới có khả năng thuyết pháp. Bài kết tập này nhấn mạnh ba đức tính sau cùng: Thuyết pháp vì lòng từ mẫn, thuyết pháp không phải vì tài vật và thuyết pháp không làm tổn thương mình và cho người khác.

Thuyết pháp vì lòng từ mẫn với mong muốn người nghe được thông hiểu giáo pháp, có thể ứng dụng lời Phật dạy trong việc tu tập để chuyển hóa khổ đau, và mang lại niềm vui, hướng đến giải thoát là mục đích quan trọng của thuyết pháp. Tất cả vì lợi ích chúng sinh, người thuyết pháp khôn khéo trong việc sử dụng ngôn từ sao cho tránh làm tổn hại hoặc gây hoang mang cho người nghe và tổn hại cho chính pháp sư. Thật ra nếu vì lợi ích chúng sanh mà thuyết pháp, vị pháp sư sẽ cố gắng hết sức mình tìm phương tiện thuyết pháp để đạt được mục đích tối thượng của việc thuyết pháp. Chính vì thế, vị pháp sư sẽ lập ra giáo án thuyết pháp và cách dùng ngôn từ thích hợp cho thính giả tùy theo phong tục, trình độ và căn cơ.

Tự nhiên một pháp tương túc với bốn pháp còn lại là nhờ quên mình vì người mà thuyết pháp. Làm như vậy chính là xả bỏ tự ngã để thuyết pháp.

Trong các kinh điển Đại thừa, xả bỏ tự ngã thuyết pháp là điều mà Thế Tôn ân cần nhắc nhở cho những pháp sư nhất là trong thời mạt pháp phước mỏng nghiệp dày nhằm tránh tăng thượng mạn khi thuyết pháp. Pháp hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ trong Đại Bảo Tích Kinh là một ví dụ điển hình.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tiến lên bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Vừa rồi con tuyên nói bí yếu của đức Như Lai phải chăng không sai trái hủy báng đức Như Lai. Bí yếu của đức Như Lai là huyền diệu, rộng lớn không ngằn mé, thế gian khó tin được. Dầu nói bí yếu của đức Như Lai mà tâm con tự nhớ là trí huệ của đức Như Lai nhập trong thân con, chớ chẳng phải sức của con.’

Đức Phật phán: “Đúng như vậy. Như lời của Mật Tích đã nói. Đạo huệ của đức Như Lai nhập vào chỗ nào thì không ai là chẳng được an ổn. Hàng đệ tử Phật ban tuyên kinh điển, đều nương nhờ oai thần của đức Như Lai” [2, trtr.380 -381].

Ngay cả Bồ tát Nhất Sanh Bổ Xứ như Ngài Kim Cang Lực Sĩ còn xả bỏ tự ngã và nương nhờ đạo huệ và oai thần của đức Như Lai thuyết pháp huống là hạng phàm phu chúng ta. Tương tự như vậy trong nhiều kinh điển đại thừa như Kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Bố tát Phổ Hiền cũng nương vào oai thần của Phật Thích Ca mà tuyên bố công đức danh hiệu Phật như đoạn kinh sau:

“Này Phật tử! nay tôi nương thần lực và lòng đại bi vô hạng của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, mà tuyên thuyết Công Đức Bất Khả Xưng Tán của sự chấp trì danh hiệu Phật” [3, tr.50].

Nếu vì lòng thương và lợi ích chúng sanh mà thuyết pháp và không sanh niệm tham đắm hợp với đạo lý của chư Phật thì sẽ được các ngài âm thầm gia hộ để cho người thuyết pháp thuận lợi trong việc lập giáo án, tìm hiểu đối tượng thuyết pháp, cách sử dụng ngôn từ thích hợp vv… nhằm mang đến lợi ích thiết thực cho đối tượng nghe pháp.

Hồi hương chúng sanh khắp pháp giới

Đồng sinh cõi Cực Lạc.