Cập nhật thông tin chi tiết về Công An Nhân Dân – 75 Năm Đồng Hành Cùng Đất Nước mới nhất trên website Boxxyno.com. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
(Chinhphu.vn) – Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám lịch sử và Quốc khánh 2/9 cũng là thời điểm đánh dấu 75 năm xây dựng, trưởng thành của Công an nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, CAND luôn khẳng định rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn thể hiện bản chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Lực lượng CAND luôn khẳng định rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Có thể khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng Công an nhân dân cách mạng. Ngay từ cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, đã xuất hiện các tổ chức mang tính vũ trang đầu tiên là Xích vệ đội (Đội Tự vệ đỏ) làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền Xô viết và phong trào cách mạng của quần chúng, bảo vệ cán bộ Đảng, giữ gìn trật tự, trị an. Trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, Đảng chủ trương xây dựng nhiều hình thức, phương thức hoạt động tự vệ phong phú, đa dạng, như: Đội Hộ lương, Diệt ác, Đội Trừ gian, Ban bảo vệ An toàn khu, Đội Danh dự Việt Minh ở Hà Nội, Đội Tự vệ sắt ở Nam Trung Bộ… Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Khi thời cơ cách mạng đến, Đảng ta đã phát động cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an đã cùng với các tổ chức vũ trang cách mạng, quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời điểm này, cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, ở Bắc Bộ, Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát được thành lập, nơi nào giành chính quyền đều thành lập Ty Liên phóng, Ty Cảnh sát. Ở Trung Bộ, Nam Bộ lập Sở Trinh sát và Quốc gia tự vệ Cuộc. Tuy tên gọi có khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an đều làm nhiệm vụ đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới được thành lập, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất các lực lượng này thành ”Việt Nam Công an Vụ” nằm trong Bộ Nội vụ. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an Vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh.
Ngay sau khi ra đời, Công an Việt Nam đã bước ngay vào trận chiến đấu quyết liệt, một mất một còn với các kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc. Điển hình, lực lượng Công an đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ mít tinh Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào chiều 2/9/1945; trấn áp thành công vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu ngày 12/7/1946, kịp thời khám phá, ngăn chặn, đưa ra ánh sáng âm mưu nham hiểm của bọn phản động Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ… Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng CAND đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Những chiến công ghi đậm dấu ấn CAND như thắng lợi của Tổ điệp báo A13 đánh đắm Thông báo hạm Amyot D’Inville, tiêu diệt hơn 200 sĩ quan Pháp, làm thất bại kế hoạch thâm hiểm của Pháp hòng lôi kéo, gây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở chống phá cuộc kháng chiến của ta từ trong lòng hậu phương. Đặc biệt, lực lượng CAND đã góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn quân và dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Trong công công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, lực lượng CAND đã chủ động tích cực trên các mặt công tác và chiến đấu lập nên những thành tích xuất sắc trên cả chiến trường miền Nam và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tại miền Bắc, lực lượng CAND đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, phát động rộng rãi, mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trên chiến trường miền Nam, lực lượng An ninh miền Nam đã phát triển thành hệ thống từ Trung ương Cục đến khu, tỉnh, các huyện và xã. Trong quá trình chiến đấu, các lực lượng An ninh miền Nam đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, tích cực, tự chủ, tự cường, dựa chắc vào quần chúng nhân dân, phối hợp chặt chẽ với phong trào quần chúng và các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam liên tục tiến công địch trên khắp các mặt trận; tổ chức diệt ác, phá kìm, phá các khu dồn dân, lập ấp chiến lược, đập tan các kế hoạch càn quét “tìm diệt, bình định” của địch; lần lượt làm thất bại các chương trình, kế hoạch tình báo, gián điệp thâm hiểm của Mỹ-ngụy, điển hình như các kế hoạch “Chiêu hồi”, “Phượng Hoàng”, “Thiên Nga”, “Hải Yến”… Đặc biệt, lực lượng An ninh miền Nam cùng quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và đánh thắng địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, lực lượng CAND đã chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, giữ vững ổn định chính trị; chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về công tác công an trong tình hình mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”; “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”…đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thực tiễn công tác, chiến đấu của CAND khẳng định, trong bất luận hoàn cảnh nào, lực lượng CAND luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, chế độ, Nhà nước và Nhân dân; có phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liên, chính, chí công vô tư, gắn bó mật thiết với nhân dân; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh tổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước. 75 năm qua, CAND đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước, được tôi luyện, thử thách qua khói lửa ác liệt của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã tích lũy, hun đúc những bài học kinh nghiệm quý báu, trở thành phương châm, nguyên tắc, căn cứ hoạt động, chiến đấu, xây dựng lực lượng công an nhân dân. Theo đó:
Một là, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công an nhân dân đồng hành, bám sát thực tiễn trong từng thời kỳ cách mang để đề ra mục tiêu, yêu cầu, tổ chức, thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ dạo, quản lý có hiệu quả của Nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan, nhân tố quyết định để lực lượng CAND không ngừng lớn mạnh, phát triển, công tác, chiến đấu và giành chiến thắng.
Hai là, coi trọng và phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nhân dân vừa là cội nguồn sức mạnh, là động lực, mục đích, vừa là lực lượng chủ yếu đảm bảo cho mọi thắng lợi. Vì vậy, lực lượng Công an luôn luôn quán triệt quan điểm dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công an ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”.
Ba là, thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức đảng trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, nhân tố tạo nên sức mạnh bền vững bên trong, đảm bảo Công an nhân dân thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bốn là, không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, năng lực công tác, đủ sức chiến đấu, chiến thắng, đấu tranh phòng, chống âm mưu diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của thế lực thù địch, các loại tội phạm xâm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tổng kết thực tiễn, phát triển, hoàn thiện lý luận Công an nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ công an theo hướng chất lượng cao, tinh thông nghiệp vụ, nắm bắt, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác công an.
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, nhìn lại những thành quả cách mạng mà đất nước, nhân dân ta đã đạt được, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an hôm nay càng thêm tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam anh hùng, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, vững tin vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tiếp theo./.
TS. Lê Thế Cương Học viện Chính trị CAND
Phát Biểu Của Thủ Tướng Tại Lễ Kỷ Niệm 75 Năm Ngày Truyền Thống Công An Nhân Dân
(Chinhphu.vn)- Ngày 16/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng.
Hôm nay, trong không khí cả nước kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tôi rất vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020) và Lực lượng Công an nhân dân đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí cán bộ lão thành, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng toàn thể các tướng lĩnh, cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân qua các thời kỳ, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ thuộc lực lượng Công an cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Ra đời ngay từ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được xây dựng, tôi luyện, trưởng thành và ngày càng lớn mạnh qua các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Có thể nói trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng, giao phó cho lực lượng Công an nhân dân những trọng trách lớn lao và lực lượng Công an nhân dân đã không phụ lòng tin đó, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng, to lớn vào những thành tựu chung của đất nước ta trong 75 năm qua.
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tuy vừa mới ra đời nhưng lực lượng Công an đã lập nhiều chiến công xuất sắc, khám phá, tiêu diệt nhiều tổ chức phản cách mạng, làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an đã phá tan mọi âm mưu phá hoại của địch, giữ vững an ninh, trật tự vùng tự do và các khu căn cứ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước; tổ chức lực lượng đánh sâu vào vùng địch tạm chiếm; hỗ trợ đắc lực cho các lực lượng vũ trang và nhân dân ta đánh bại các chiến dịch quân sự của địch, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở miền Bắc, lực lượng Công an đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự xã hội, chống gián điệp, biệt kích phá hoại; ở miền Nam, lượng an ninh nhân dân miền Nam đã kiên trì bám dân, tổ chức nhiều trận đánh lớn ngay trong lòng địch, diệt ác, trừ gian; bảo vệ các phong trào quần chúng, căn cứ kháng chiến, các cơ quan lãnh đạo của đảng; làm thất bại các hoạt động chiêu hồi, tình báo của địch, góp phần cùng quân và dân ta đánh thắng trên các chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận đấu tranh bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, vì sự bình yên của đất nước và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân; sát cánh cùng quân và dân ta tích cực chiến đấu đánh thắng quân xâm lược, góp phần bảo vệ toàn vẹn biên giới, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược về bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Lực lượng Công an đã đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, các hoạt động gây rối an ninh, trật tự của các thế lực thù địch, phản động, khủng bố; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các công trình quan trọng của đất nước.
Về phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả; triển khai toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm về kinh tế, ma túy, buôn lậu; tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điều tra, khám phá nhiều vụ trọng án, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, quy mô lớn, phức tạp, thu hồi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Gần đây, lực lượng Công an đã quyết liệt thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, lực lượng Công an đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy xét người bị lây nhiễm, nghi lây nhiễm, đề xuất lên phương án cách ly, ngăn chặn dịch bệnh, góp phần cùng cả nước vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh những chiến công, thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong 75 năm qua, những dấu ấn trong công tác xây dựng lực lượng Công an trong thời gian gần đây cũng rất đáng biểu dương. Trong đó, lực lượng Công an đã chủ động, gương mẫu đi đầu trong đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc chọn ngày truyền thống Công an nhân dân là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cũng chính là ý Đảng, lòng dân, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong 15 năm qua, cùng với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được đông đảo quần chúng nhân dân nhiệt tình, hưởng ứng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả nước trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cơ sở. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn cơ sở. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức quần chúng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Từ những hoạt động thiết thực của phong trào, hình ảnh người chiến sĩ Công an của chúng ta ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân, được dân quý, dân thương, dân tin tưởng.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người chiến sĩ Công an luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chấp nhận hy sinh, gian khổ, tận tụy hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, “chỉ biết còn Đảng là còn mình”, luôn coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Công an đã có những đóng góp công lao, hy sinh xương máu to lớn, với hơn 14 ngàn liệt sĩ, hơn 5 ngàn thương binh, bệnh binh và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Trong buổi lễ trang trọng này, một lần nữa, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin bày tỏ sự tri ân, biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh lớn lao của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân ta.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích, chiến công của Công an nhân dân Việt Nam anh hùng trong 75 năm qua và chúc mừng các đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất hôm nay.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng gay gắt; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải và chủ quyền trên Biển Đông còn phức tạp; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động nhiều mặt. Ở trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ ta; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và tình hình trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định.
Tình hình trên đặt ra yêu cầu nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn, đòi hỏi trong bất cứ tình huống nào, lực lượng Công an nhân dân cũng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn cuộc sống và lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần tích cực bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tạo môi trường hòa bình, an ninh, trật tự, kỷ cương để phát triển đất nước.
Trước yêu cầu đó, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đề nghị lực lượng Công an chúng ta trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải luôn giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ đối với Công an nhân dân.
Trọng tâm là tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm các phương châm “an ninh chủ động”, “giữ vững bên trong là chính”, “phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ, nhân tố có thể gây mất ổn định” trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng. Trước mắt, tập trung chuẩn bị thật tốt để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, gắn bó máu thịt với nhân dân. Bác Hồ cũng đã từng căn dặn “Công an của ta là công an của nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”, “kính trọng, lễ phép với nhân dân”.
Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an gần gũi, thân thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, là niềm tin, chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong những lúc gian nguy. Phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện cửa quyền, quan liêu, tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân trong giải quyết công việc. Đa dạng hóa các hình thức và tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Lực lượng Công an phải coi vận động quần chúng là biện pháp chiến lược, cơ bản, làm nền tảng cho các biện pháp công tác công an, làm cho phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự là của toàn dân, phát huy cao độ ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Thứ ba, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Công an các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền những chủ trương, biện pháp bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ có hiệu quả các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, đối ngoại của đất nước.
Chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, không để xảy ra bị động, bất ngờ, khủng bố; bảo đảm an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nội bộ, an ninh xã hội, an ninh tại các địa bàn chiến lược; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng. Trước mắt, tập trung bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kiên quyết đấu tranh, tấn công quyết liệt, trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các loại tội phạm đồng thời với việc kiềm chế việc gia tăng và kéo giảm, đẩy lùi tình hình phạm tội và vi phạm pháp luật trong xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp, bảo đảm điều tra, xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tập trung giải quyết tốt, kịp thời các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương, nhất là với Quân đội nhân dân và các cơ quan tư pháp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thứ tư, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm khoa học, phù hợp thực tiễn và nhu cầu phát triển. Sử dụng hiệu quả biên chế và kết hợp tinh giản biên chế, một số công việc cần tổng kết, đánh giá, khắc phục.
Có cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý cụ thể, rõ ràng hơn, gắn quyền hạn với trách nhiệm; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Các cấp ủy Đảng trong Công an nhân dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chú trọng đổi mới nội dung đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục truyền thống, tính giai cấp, tính Đảng, tính dân tộc, tính nhân dân của lực lượng Công an cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an chúng ta cần xác định không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự vào thực tiễn công tác, chiến đấu.
Nhân Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hôm nay, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Công an địa phương tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở những địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng và đặt trọn niềm tin yêu về lực lượng Công an nhân dân Việt Nam “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dựa vào sức mạnh vô địch của nhân dân, với truyền thống 75 năm anh hùng, lực lượng Công an nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy, gian khổ bao nhiêu cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc, cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục lập được nhiều thành tích, chiến công mới./.
Bạn Đồng Hành Của Tuổi Trẻ
Như Thép Mới đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách: “Thép đã tôi thế đấy” ghi lại cả một quá trình tôi thép, bước đường gian khổ trưởng thành của thế hệ thanh niên Xô Viết đầu tiên”. Pavel cùng các bạn, anh em của anh, Sergey, Valia, Rita, Pankratov, Okuniev… cả một lớp thanh niên lao động mà tuổi trẻ sống trong cơn bão táp của phong trào Cách mạng Tháng Mười. Dưới ngọn cờ của Ðảng Cộng sản, họ trui rèn trong ngọn lửa cách mạng trường kỳ, qua những nhiệm vụ, thử thách gian khổ, để rồi trưởng thành thành những thanh thép bền cứng, không bao giờ bị bẻ gãy, khuất phục, trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn chiến thắng và giữ nguyên vẹn bản chất của người cộng sản bôn-sê-vích chân chính. Họ đã sống một cuộc đời mà “khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Ðây “không phải tác phẩm chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống trong nó rồi mới viết” (Thép Mới). Pavel Korchagin chính là hóa thân của tác giả – Nikolai A. Ostrovsky, một người cộng sản chân chính, kiên cường nhất. Cuộc đời ông, cũng như nhân vật trong trang sách, luôn sống bằng trái tim nồng nhiệt, khát vọng sống và hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân, không khi nào chùn bước. Bị bại liệt toàn thân, mù cả đôi mắt, bệnh tật tàn phá khiến thân thể chịu đau đớn đến cùng cực, không cầm súng được nữa, nhưng cũng không chịu xa rời chiến đấu, ông lấy bút làm vũ khí. Và với thứ vũ khí mới này, dồn vào mọi tâm huyết, lý tưởng, ông đã thổi bùng lên một ngọn lửa, truyền một chất thép hào hùng làm sôi sục trái tim bao thế hệ thanh niên trên khắp thế giới. Cuốn tiểu thuyết là sách gối đầu giường của họ, nhân vật chính Pavel đã trở thành hình mẫu lý tưởng để học hỏi, là người bạn, người đồng chí đi trước luôn dìu dắt, khuyến khích và tiếp thêm ý chí cho họ.
“Thép được tôi trong lửa đỏ và trong nước rất lạnh trở nên cứng rắn. Thế hệ chúng tôi cũng được tôi luyện như vậy trong đấu tranh và trong những thử thách ghê gớm nên đã học được cách không quỵ ngã trước cuộc sống” – tác giả đã giải thích nhan đề “đứa con tinh thần” của mình như thế. Cả cuốn sách cháy rực lên bầu nhiệt huyết, khát khao sống, khát khao cống hiến cho một lý tưởng hết lòng say mê, cho Tổ quốc và nhân dân hết mực yêu quý. Trải qua “lửa đỏ” và “nước rất lạnh”, khát khao ấy vẫn vô cùng sáng trong, không một chút nghĩ cho mình, sẵn sàng chịu đựng gian khổ và hy sinh lợi ích cá nhân một cách ngoan cường nhất. Ðược hiến dâng là niềm tự hào, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của người chiến sĩ, trái tim không lúc nào ngừng tin tưởng và hy vọng. Ðó là vẻ đẹp, là giá trị, cũng là cái làm nên sức sống, sức mạnh lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến vậy. Nguyễn Văn Thạc – liệt sĩ “Mãi mãi tuổi 20” của chúng ta đã viết trong cuốn nhật ký chiến trường của mình: “Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Ðó là cuộc sống của người đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Ðảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng…”.
Là tài năng nghệ thuật xuất thân từ quần chúng, Nikolai A. Ostrovsky đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học của nước Nga Xô Viết bằng những hình tượng bình thường mà vượt qua hoàn cảnh phi thường, những thanh thép nhân dân được tôi luyện đã làm nên cách mạng, những cá thể “tận tụy làm người” (Vương Trí Nhàn). Một tác phẩm có giá trị tư tưởng lớn lao, gợi cảm hứng bất tận, buộc người đọc phải hành động, đi tìm mục đích và lý tưởng sống và sống hết mình cho lý tưởng đó. Quan trọng hơn, đó là phải rèn luyện ý thức, đạo đức, ý chí lao động sáng tạo; tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, cống hiến; bản lĩnh đối mặt với những thử thách, chiến thắng nghịch cảnh, chiến thắng chính mình để kiên định với lý tưởng, với giá trị bản thân.
Trong bối cảnh ngày nay, càng cần một “Thép đã tôi thế đấy” với lý tưởng cao đẹp ngời sáng và trung trinh, đầy cảm hứng và niềm tin để là nguồn động viên, dẫn đường, thức tỉnh và thúc giục thanh niên dũng cảm tìm đường đi và nhận lấy trách nhiệm cho tương lai của chính mình và xã hội.
Mai Hiền
Đảng Và Mùa Xuân Đất Nước
Mỗi độ Tết đến Xuân về, nhân dân Việt Nam ta luôn có câu khẩu hiệu quen thuộc, thiêng liêng “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới” để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu và để khắc dạ ghi tâm mốc son lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện Đảng ta ra đời ngày 3-2-1930 – đúng vào thời khắc giao hoà giữa đất trời và lòng người.
Đảng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thật ý nghĩa, là sự lựa chọn mang tính quy luật, tính lịch sử, để rồi từ đó “ý Đảng, lòng dân” trở thành vũ khí “bách chiến bách thắng”, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng sáng ngời “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đem lại mùa Xuân bất tận cho dân tộc.
Kể từ mùa Xuân ấy, hơn mười năm sau – Xuân năm 1941, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Giữa một vùng núi non trùng điệp với muôn hoa đua sắc và lòng người rưng rưng, lắng đọng trong giờ phút Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó – Cao Bằng) trong sắc hoa Xuân rực rỡ sau bao năm xa Tổ quốc đã trở thành cảm hứng vô tận cho sự ra đời bài thơ “Mùa Xuân năm 1941” của nhà thơ Tố Hữu: Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về… im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ… như báo hiệu tương lai xán lạn của dân tộc Việt Nam sắp tới gần!
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, một Đảng mới 15 tuổi đã cùng nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại nền độc lập, tự do, đưa đất nước ta thoát khỏi “đêm trường nô lệ”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vì vậy, tất cả người dân Việt Nam đều gọi ngày 2-9 hằng năm là Tết Độc lập với một tình cảm thiêng liêng, thành kính ghi nhớ công ơn trời biển của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại!
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta, với biết bao mất mát hy sinh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm nên những chiến công oanh liệt “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” ở thế kỷ XX cùng nhiều mùa Xuân lịch sử. Chiến công nối tiếp chiến công ở hai miền đất nước là cơ sở để bài thơ “Bài ca mùa Xuân 61” của Tố Hữu ra đời: “Chào 61! Ðỉnh cao muôn trượng/Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu”. Bài thơ thể hiện niềm lạc quan phơi phới của dân tộc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến tranh đầy cam go, đẫm máu nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc trên nền tảng “đỉnh cao muôn trượng” của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và những thắng lợi bước đầu đạt được của nhân dân miền Nam và một niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam.
Dân tộc ta còn nhớ như in Mùa Xuân năm 1968 với lời thơ chúc Tết bất hủ, đồng thời cũng là lời hiệu triệu của Bác Hồ “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” như tiếp thêm sức mạnh, thúc giục miền Nam nổi dậy tiến công đồng loạt, làm “rung chuyển Lầu Năm góc”; miền Bắc nén đau thương, đánh bại siêu pháo đài bay B.52- niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ, làm nên huyền thoại 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Pa-ri mùa Xuân năm 1973, tạo bước ngoặt để Mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa dân tộc ta bước vào một mùa Xuân bất tận – cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Từ đó đến nay, các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng thường được tổ chức vào những mùa Xuân. Sau mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta lại đem đến cho đất nước những mùa Xuân ấm áp, sinh chồi nảy lộc. Nếu như Đại hội Đảng lần thứ VI – Xuân 1986 đánh dấu sự nghiệp đổi mới toàn diện, thì Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ thứ XI mùa Xuân 2011 là Đại hội tổng kết 25 năm đường lối đổi mới của Đảng với “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, tiếp tục đưa đất nước phát triển, để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong phát biểu bế mạc Đại hội XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Điều quan trọng là từ Đại hội này tỏa ra một niềm tin lớn, một khí thế mới, một sự đoàn kết thực sự chứ không phải là hình thức, để nhân dân tin tưởng, phấn khởi hơn”….
Một mùa Xuân mới đã về. Với bản lĩnh chính trị được rèn luyện qua 85 mùa Xuân, với sức sáng tạo luôn tươi mới như “chồi non, lộc biếc”, tin rằng Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua thử thách, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang.
Với những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng 85 năm qua, nhân dân ta đều có quyền tự hào với một niềm tin mãnh liệt: Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đem lại những mùa Xuân cho đất nước, sức Xuân của lòng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác!” hay “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no…”. Lời dạy ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng và trở thành lẽ sống, lời tuyên thệ của tất cả những người đảng viên chân chính dâng lên Đảng và Bác Hồ kính yêu mỗi khi Tết đến, Xuân về./.
Phạm Thị Nhung, Trường Sĩ quan Lục quân 2
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng
Tâm Trang (st)
Bạn đang xem bài viết Công An Nhân Dân – 75 Năm Đồng Hành Cùng Đất Nước trên website Boxxyno.com. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!